Thursday, August 21, 2008

Mamma Mia! Surprisingly good movie soundtrack


A Retrospect

Đối với người hâm mộ, thì những bài hát của ABBA là loại âm nhạc vượt thời gian, và tôi là một trong số ấy. Tôi bắt đầu được nghe ABBA cách đây khoảng hơn 25 năm, khi mà ở Việt Nam và nói riêng Hà Nội, không mấy ai có cơ hội được tiếp xúc với âm nhạc của các nước phương tây do tư tưởng phủ nhận mọi giá trị phi cộng sản của chính phủ Việt Nam thời bấy giờ, và đông đảo nhân dân dễ dàng chấp nhận sự thống trị về mặt tư tưởng ấy. Cũng phải nói rõ là thời đầu những năm 1980 ấy, chỉ những gia đình Hà Nội vô cùng có điều kiện, đa phần là cán bộ đi công tác, học tập ở nước ngoài, thì mới có máy nghe nhạc dân dụng cùng với băng, đĩa nhạc mang về để tự sử dụng trong nhà mình và thích nghe gì thì nghe. Những người còn lại thì nghe đài phát thanh, đài truyền thanh của đảng và chính phủ. Dĩ nhiên, không đảng và chính phủ nào phát nhạc của tư bản trên cái hệ thống ấy cả.

Đài truyền thanh thực ra phải gọi là loa truyền thanh vì nó chỉ là một cái loa gắn thêm một cuộn biến áp nhỏ và được nối vào hệ thống dây điện truyền thanh của thành phố. Trong thời khó khăn kiệt quệ ấy, không phải ai cũng có đài thu thanh, tức thiết bị thu sóng vô tuyến. Hẳn chính phủ cũng muốn duy trì tình trạng ấy để nhân dân khỏi vô tình mà nghe nhầm phải đài địch.

Đấy là thời mà Trần Tiến đã có bài hát được biết đến khá rộng rãi là bài "Mặt trời bé con". Lời bài hát có những câu như:

"Ngoài kia có chú bé trèo cành me mắt xoe tròn lắng nghe"


mà bọn trẻ ngu si đần độn thời nay nghe không thể nào hiểu và đồng cảm được, tại sao lại thế, lại có thể thế được sao?

Còn tôi thì nhận ra mình trong một hoàn cảnh tương tự, thập thò ở cửa phòng tập của đội nghệ thuật măng non Cung Thiếu nhi Hà Nội, nghe anh Kim Bình say sưa chơi đàn organ một liên khúc liền tù tì vài bài nhạc nước ngoài. Có thể lần đấy không chính xác là lần đầu tiên tôi nghe những bản nhạc đó, nhưng lúc ấy ấn tượng để lại mạnh đến nỗi giai điệu của nó đã in sâu vào trí nhớ của tôi để rất lâu sau này tôi nhận ra đó là các bài "Lay All Your Love On Me" của ABBA và "Rasputin" của Boney M.

Có lẽ, vì ABBA là nhóm nhạc của Thụy Điển, và Thụy Điển là một nước khá trung lập và đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều nên người ta có thể thoải mái hơn khi chơi nhạc của tư bản Thụy Điển. Còn Boney M thì cũng đã đến Moscow biểu diễn năm 1978 và được tới 10.000 người Nga hâm mộ chào đón. Liên xô nghe được, thì mình cũng nghe được.

Đời sống kinh tế của nhân dân đỡ ngột ngạt hơn đôi chút sau đó dăm bảy năm do kết quả của công cuộc cải cách mở cửa. Hàng hóa Trung quốc bắt đầu tràn ngập miền bắc và ngoài bia tầu (Vạn Lực) để uống, quần áo, vải vóc tầu để mặc thì lúc này nhiều người đã có thể mua đài tầu để nghe.

Di sản của thời bao cấp để lại từ đài là từ của người dân miền Bắc dùng để chỉ chung các vật phát ra âm thanh như tin tức và âm nhạc. Ví dụ, ngày nay khi nhìn thấy biển quảng cáo "Cho thuê loa đài, phông màn đám cưới", thì ta hiểu loa đài là đồ trang âm gồm có đầu đĩa (CD-DVD Player) và ăm-ly (amplifier, receiver) cộng với loa.

Rất nhiều người đã đủ điều kiện mua đài tầu vào những năm cuối 1980, và đài nói đến ở đây là Radio Cassette Player: Máy chơi băng cỡ nhỏ. Một vài năm sau đó, các loại thiết bị có chất lượng tốt hơn đã được bầy bán rộng rãi ngoài thị trường: Radio Cassette Player của Philips, Sony, Sharp, National sản xuất tại các nước đông nam Á. Tuy nhiên, công đầu đưa âm nhạc phi cộng sản đến với quần chúng nhân dân vẫn phải kể đến những chiếc đài tầu xinh xinh, và những chiếc băng cassette cũng sản xuất tại tầu nốt. Sắm đài thì phải sắm băng: Nhạc Việt thì có các băng nhạc của các ca sỹ hải ngoại mà thời kỳ này nổi bật là Giao Linh, Tuấn Vũ, Hương Lan, Ngọc Lan, Kiều Nga. Cũng phải nhấn mạnh rằng, đó là những năm đầu tiên mà nhạc "vàng", nhạc hải ngoại lại được nghe một cách thoải mái tự do đến thế. Thế còn nhạc "tây": Bác nông dân nào ra Hà Nội sắm đài cũng được cả nhà dặn dò là về phần nhạc tây nhớ đừng quên mua mấy cái băng bông bốc của Mô-đen-tắc-kinh, Áp-ba, Bô-nây. Kiến thức về nhạc quốc tế của đa phần dân Việt Nam thời đó chỉ bó gọn trong mấy ban nhạc nổi tiếng đó. Nhưng điều đó cũng nói lên rằng nhạc của ABBA đã popular ngay cả ở Việt Nam đến mức độ nào.

Tôi không nằm trong số những người đó. Những băng cassette và sau đó là những đĩa CD nhạc đầu tiên mà tôi sưu tầm không phải là băng đĩa ABBA hay Boney. Thịt kho rất ngon, nhưng đã để tự đãi mình thì thịt kho lại không được đưa vào đầu danh sách mà đó phải là Sashimi, bít tết Hot rock hay cua biển No sign board.

Thế nên, tôi đã nhìn poster phim Mamma Mia một cách thờ ơ. Nhạc ABBA hay thật, nhưng đã nghe quá nhiều. Tôi thuộc lời của hơn 100 bài hát của The Beatles, nhưng những năm gần đây tôi chỉ giở nhạc của họ ra nghe 1-2 lần trong năm.

Vậy mà khi nghe album nhạc Mamma Mia do các diễn viên Mỹ cover lại, tôi đã ngạc nhiên một cách thích thú đến nỗi nghe đi nghe lại trong khoảng 4 giờ liên tục.


Mamma Mia album covers

(to be continued)

3 comments:

  1. Ồ, b�c nhanh thế. Em down về rồi m� chưa kịp xem!

    ReplyDelete
  2. Em dang cho` phim chieu ngoai rap de di xem day :D

    ReplyDelete
  3. xem Broadway (live musical) hay ho*n nhie^`u ba'c a` :)

    ReplyDelete