Tuesday, August 29, 2006

Biểu tình trước Văn phòng Quốc hội


Hôm nay (30 August 2006) là ngày thứ 3 khoảng hơn 500 nông dân Hưng Yên căng lều bạt trước cửa, và đối diện VPQH 35 Ngô Quyền để biểu tình phản đối quyết định không hợp lòng dân của chính quyền địa phương liên quan đến việc thu hồi đất của dân để giao cho một chủ đầu tư xây dựng khu đô thị mới. Các lực lượng cảnh sát cơ động 113, công an phường và dân phòng sở tại (lực lượng mặc đồng phục đi xe tải hạng nhẹ hàng ngày vẫn đi dẹp vỉa hè và đuổi hàng rong trên phố) đã túc trực từ sáng để sẵn sàng ứng phó với các tình huống quá khích có thể xảy ra. Phố Ngô Quyền, đoạn giữa Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt bị cảnh sát giao thông ngăn lại nhiều lần trong ngày, cấm các phương tiện và thậm chí cả người đi bộ đi vào khu vực nhạy cảm này. Giao thông ách tắc, nhất là vào buổi chiều bởi xe cộ bị buộc phải rẽ đi hướng khác và đám người hiếu kỳ đổ ra xem, đa phần là dân phố sở tại và người làm việc tại các văn phòng nằm gần trụ sở VPQH. Chiều hôm qua, đám đông đã truy đuổi một người chưa rõ danh tính đi ra từ VPQH, khiến cho anh này phải tháo chạy vào khách sạn Hòa Bình ở ngã tư Lý Thường Kiệt – Ngô Quyền, và sau đó tiếp tục bao vây phục kích bên ngoài khách sạn trong nhiều giờ đồng hồ, buộc trên phải điều xuống vài xe cam nhông cảnh sát cơ động 113, hú còi inh ỏi cả phố. Điều đáng nói (nhưng không đáng ngạc nhiên) là trong khi các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài của Việt Nam chưa thấy có thông tin gì về cuộc biểu tình phản đối tương đối quy mô này, thì các báo và hãng tin nước ngoài đã ngay lập tức có những quan sát của mình. Hãng BBC đã đưa tin về sự kiện này như sau:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/08/060829_land_protest.shtml

Tâm sự với chúng tôi, nhiều người dân không giấu nổi bức xúc. Họ nói: Nếu chính quyền thu hồi đất của chúng tôi với giá như vậy thì chúng tôi sẵn sàng mua lại đất với giá bằng với giá của nhà đầu tư kia trả cho chính quyền. Sự căng thẳng và vẻ liều lĩnh hiện rõ trong thái độ của từng người. Trong khi đó, ở một góc khác, anh công an phường đang tranh thủ trêu mấy chị nông dân da rám nắng khỏe mạnh. Các chị nói: Kể cả anh có võ, chúng em cũng không sợ anh đâu!

Ảnh: Râu (mobile phone).

Friday, August 25, 2006

Thằng Bép


Thằng Bép là một trong số ít bạn 360 của tôi. Trước đây gặp Bép trên mạng, tôi với y thường trìu mến gọi nhau chú chú anh anh, tình cảm lắm.

Ở trên diễn đàn, nhiều người chê y toàn buôn chuyện trời mây, rán nem, luộc gà, dating với cáo, khoe chân cẳng, cúp C, váy áo mà không bao giờ đả động tới những vấn đề kinh bang tế thế của đất nước. Lâu nay, tôi - và có lẽ nhiều người nữa - cũng nghĩ như thế.

Mãi đến khi chát, và đọc blog của y, mới hay Bép cũng đã say mê đọc nhiều sách báo tiến bộ, y cũng có nhiều tâm sự đau đáu bức xúc trước những vấn đề lâm nguy của quốc gia, và không phải là y không có những cảm xúc sâu xa, lãng mạn.

Văn của Bép chân chất và mộc mạc như con người y vậy, vậy mà chẳng kém phần triết lý, chẳng kém phần thâm trầm. Bép có lẽ đã không ngờ khi y viết:

Ở đâu cũng có nàng tiên
Ở đâu cũng có thằng điên, thằng khùng....


thì tư tưởng của y đã sánh ngang tầm tư tưởng hiền triết, tư tưởng của một nhà đạo học. Ở đây, tư tưởng của Lão Tử “Thấy cái xấu mà không thấy cái tốt của cái cái xấu ấy là không thật thấy. Thấy cái tốt mà không thấy cái xấu của cái tốt ấy cũng không phải là thật thấy" được Bép thể hiện qua hai câu thơ thật giản dị và dễ hiểu, vậy mà thâm thúy và sâu sắc.

Thành ra, đối với tôi, đọc văn của Bép lại là một cái thú.

Nhưng đọc Bép, phải cảm được cái hồn của y nhỏ máu thành mực viết nên câu văn, còn không thì mới chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Đọc Bép, phải nhận ra sự dấy loạn bão liệt nhưng nên thơ trong tâm hồn y: “Ngoài phẳng lặng mà trong lòng dậy sóng”. Có nhà thơ đã viết:

Những cô hàng xóm răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng


thì bạn ơi có nhận ra niềm vui rộn rã mà vẫn man mác buồn như mùa thu mà nhà thơ kia muốn nói không? Có gì khác đâu khi Bép viết:

Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn

thì chẳng lẽ chúng ta không nhận ra tương lai đằng trước là một chiếc nhà vệ sinh trầm lặng và chật chội như cái bể cạn mà Bép muốn nhắn nhủ chúng ta rằng, không đủ sức chứa tâm hồn bão nổi sông hồ của y?

Thursday, August 24, 2006

Thằng Kềnh

Kềnh ơi, có những chuyện trong quá khứ đau buồn của em, tôi biết em không muốn ai khơi gợi lại. Song le, ngoảnh đầu lại là bờ, có gì đáng xấu hổ đâu khi ôn lại một thời đen tối mà em đã ngoạn mục vượt qua với lòng dũng cảm. Có thể, bây giờ em cũng không thể hình dung ra một thằng Kềnh ngu dại và dốt nát của những tháng năm ấy. Ngày ấy cũng chưa xa lắm, mới chỉ năm 2004 thôi, khi Kềnh còn đang "băn khoăn đứng giữa hai dòng nước, chọn một dòng hay để nước cuốn trôi". Cuộc sống của em ngập tràn hoa hồng, rượu mạnh, bia lon, bao cao su và thuốc ngừa thai; mục đích sống của em là lên mạng Vysa chửi bới; địa chỉ thường trú của em tại Gia Lâm và Fortuna. Em còn tâm sự với tôi là đã có lúc em bước một chân vào ma túy. Cha mẹ buồn phiền, bạn bè xa lánh; nhiều khi em thấy tuyệt vọng, không tìm ra chỗ đứng cho mình trong cuộc sống. Thế rồi, một sự tình cờ, em đã gặp chúng tôi trong một lần lên mạng. Em chợt nhận ra, cuộc sống còn biết bao anh chị giỏi giang, thông minh và tự tin. Em muốn mình thay đổi, muốn được như chúng ta. Vầng, những gì của cái thằng Kềnh thuở đầu tiên ấy đã làm tôi thấy rất buồn cười và đáng thương, nhưng em đã trưởng thành và lớn lên rất nhanh. Làm sao một con người có thể không tốt lên khi may mắn được làm bạn với những con người tiến bộ có lương tri yêu chuộng hòa bình? Chúng tôi đã giang tay đón nhận Kềnh với sự chân tình, và Kềnh đã cố gắng để trưởng thành với cả một sự nỗ lực đáng khâm phục. Em đã đi lên từ một tay xe thồ phân dốt nát, chỉ sau vài tháng đã trở thành người điều khiển xích lô ba gác rồi tiến lên chạy xe ôm chở khách. Dấu ấn sự tiến bộ của em là hàng trăm bài viết mà tôi thấy bắt đầu có ý tứ, bắt đầu có thể hiểu được mà em bốt trên diễn đàn quen thuộc của em là Vysa. Bây giờ, Kềnh đã thành một con người khác, em đã lớn lên, trưởng thành hơn, chín chắn hơn và thông minh hơn. Hôm nay Kềnh đã từ trong ra ngoài, thơm như hương nhụy hoa nhài, sạch như nước suối ban mai giữa rừng. Chúng ta đã có thể hy vọng, một ngày nào đó em sẽ đủ lông đủ cánh, bay đi bốn phương trời, đảm đương các vị trí quan trọng, đóng góp cho sự nghiệp tiến lên hiện đại hoá, công nghiệp hoá của đất nước chúng ta.

Tâm sự với chúng tôi, Kềnh không giấu nổi xúc động. Em nói: cha mẹ đã sinh ra em, nuôi nấng em, nhưng chính các anh chị đã cho em niềm tin vào tình yêu và cuộc sống. Em còn nói: Con người ta chỉ hơn nhau ở sự kiên định trong suy nghĩ, sẵn sàng đi đến cùng thiên đường hay địa ngục mà mình đã quyết định dấn thân. Như thế mới có thể cảm nhận đủ vị của đời mà không hề hối hận, nhưng khi được sẽ được rất nhiều.

Cũng xin các bạn chia vui với Kềnh, mới đây em vừa được mời làm thành viên ban giám khảo cuộc thi ảnh gái mạng Việt Nam 2006 mà trong đó em sẽ chịu trách nhiệm đánh giá độ 'phong nhũ phì đồn' của các thí sinh. Thật tự hào và vui sướng biết bao khi biết cộng đồng tiến bộ có lương tri yêu chuộng hòa bình chúng ta lại có thêm một người như Kềnh, đầy nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, và hết lòng hết sức vì sự nghiệp chung.

Đại diện nói lên tiếng nói của lương tri, tôi xin chúc mừng Kềnh; tôi tin em sẽ tiến rất xa, và đừng bao giờ quên chúng tôi, những người đã đưa em vào đời và giúp em tìm ra con đường của riêng mình.

Monday, August 14, 2006

Nô lệ thời hiện đại

Có những người hàng ngày phải bán thời gian cho chủ lao động theo cái cách mà dưới góc nhìn của tôi, không khác gì nô lệ. Đó chính là những người đi làm xa hàng ngày tại những nơi mà cuộc sống không tồn tại.

Mới đây tôi đi công tác lên Việt Trì. Đường lên thành phố “ngã ba sông”, cách Hà Nội khoảng trên trăm cây số, đi qua đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài. Trên đường đi là nhiều khu công nghiệp tập trung nhiều hãng sản xuất và kho vận. Dọc đường, chúng tôi gặp nhiều xe commuter chở nhân viên đi làm của các công ty lớn như Zamil, Toyota, Honda, và tôi chợt nhớ ra, tôi cũng có bạn bè có thể đang ngồi ngáp ngắn ngáp dài hoặc ngủ gà ngủ gật trên một trong những xe đó. Nói đâu xa, thằng Théo đấy thôi.�

Hãy thử hình dung, 6 rưỡi (hoặc sớm hơn) bạn ra khỏi nhà, và 6 rưỡi (hoặc muộn hơn) bạn được xe ô tô công ty thả xuống điểm tập kết. Trong 12-14 giờ� đồng hồ đó, bạn là nô lệ, cách biệt với đời sống bình thường vì đã bán thời gian cho bọn chủ tư bản thối nát. Về đến nhà, bạn chỉ còn độ 2 tiếng trên lý thuyết để tắm giặt và ăn uống trước khi lên giường để "tái sản xuất sức lao động". Cứ lặp đi lặp lại như vậy ngày này qua ngày khác.

Là một thanh niên, hoặc một trung niên ít tuổi được thôi thúc bởi trái tim ấm nóng, bạn muốn phần thời gian tự do ít ỏi còn lại dành cho chính mình kéo dài hơn và tiêu vào vài việc có ý nghĩa hơn, như là ngồi nói chuyện với người thân trong gia đình, hoặc đến nhà bạn gái, hoặc rủ bạn bè đi uống cà phê, hay tệ hại nhất thì cũng là xem một bộ phim. Nhưng bạn luôn luôn thiếu thời gian để làm những việc đó, và bạn luôn luôn thiếu ngủ.

Sáng hôm sau, lại một ngày lặp lại. 6h xe đã đưa bạn đi làm trong khi bạn còn đang mắt nhắm mắt mở, đưa bạn đến một nơi cách xa Hà Nội đến vài chục cây số và nhốt bạn ở đó. Gọi là nhốt vì liệu bạn có thể đi đâu, khi bạn không có phương tiện đi lại, vào ra khu công nghiệp phải xuất trình thẻ, và cả khu công nghiệp thì nằm ở giữa một cánh đồng. Bạn phải ngồi đó ở một nơi cách biệt với thế giới bên ngoài, cần mẫn (hoặc giả vờ) chăm chỉ như một con kiến thợ, làm những gì người ta bảo bạn làm.

Trong khi đó, ở trung tâm thành phố, nơi cuộc sống đang diễn ra, người ta có thể vừa làm việc, vừa gọi bạn bè tạt qua đi làm 1 chầu cà phê và ngồi đọc báo thể thao trong khi đánh giầy. Người ta có thể chạy ù ra phố mua quà sinh nhật cho đứa bạn, còn buổi trưa thì đi ăn ở mấy quán cơm văn phòng máy lạnh tranh thủ tán mấy em gái văn phòng phẳng phiu và thơm tho, hoặc ngồi trong cửa sổ nhìn ra phố Hà Nội lố nhố các em hở lưng hở rốn đi Dylan, SH và các chị bán rong người nhà quê đen đúa chạy công an như chạy giặc. Hoặc cũng có thể nhấm nháy cô em phốp pháp trong văn phòng chở sang Lâm gia trang thuê nhà nghỉ 50 nghìn đến 2 giờ chiều về không ai biết. Nói chung là rất đời. Nếu bạn ở nơi đó, bạn sẽ cảm thấy đúng là mình đang sống.

Như thế, điểm mấu chốt là tuy đa số người làm việc bình thường đều là nô lệ cho thời gian, nhưng trong khi người ta ăn cắp, hoặc tận dụng lại được đến 60-80% thời gian công sở, thì những kẻ nô lệ kia lại phải bán thời gian một cách quá sòng phẳng, thẳng thắn và không ăn gian vào đâu được. Bình thường, chúng ta được làm việc trong môi trường sống bình thường hàng ngày, còn những kẻ nô lệ khốn khổ kia bị đem đến làm việc ở một nơi không có cuộc sống. Như thế, có thể so sánh với việc sang Li- Băng để làm ô-sin, hoặc ra đảo Trường Sa để làm bộ đội.

Monday, August 7, 2006

Thằng Théo

temporarily unavailable

Friday, August 4, 2006

Cuộc sống đôi khi khó khăn hơn chúng ta tưởng

Ví không có cảnh đông tàn

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân

Nghĩ mình trong bước gian truân

Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.