Thursday, October 16, 2008

The Dark Knight: Probably the best movie of 2008


Tôi mới xem The Dark Knight và dự định sẽ xem lại ít nhất một lần nữa. Nhưng ngay bây giờ tôi đã đồng ý với ý kiến của nhiều người coi đây là phim hay nhất của năm 2008 (tính cho đến giờ).

Nhân vật Joker được diễn tả quá xuất sắc, và tôi không hiểu sao người ta lại chỉ gọi vai diễn này là vai diễn phụ và diễn viên được gọi là supporting actor. Cũng như vai tên sát thủ trong No country for old men, đây là nhân vật trung tâm của phim và mọi diễn biến của câu chuyện được kể đều xoay quanh y. Joker làm người xem toát mồ hôi vì sợ hãi, không theo cái cách máu me của phim kinh dị mà ở sự tàn bạo có tổ chức và luôn gây bất ngờ của y khi hành động tội ác vì những lý do mà y cho là đúng, và đáng sợ thay, đôi khi người xem thông cảm được. Trong The Dark Knight, nếu không có Joker hay đến thế thì bộ phim đã không khác gì những phim nhảm nhí như Người nhện hay Siêu nhân trong đó kể những câu chuyện hoang đường luôn có kết cục có hậu khi cái ác chắc chắn sẽ bị những người hùng mà năng lực siêu việt có được theo cách từ trên trời rơi xuống đánh bại. Những cốt truyện ấy chỉ là truyện tranh nâng cấp dành cho người lớn, và nhiều khi xét mục đích kể một câu chuyện, thì chúng còn tồi hơn phim hạng B là loại phim ít tiền và không có diễn viên nổi tiếng tham gia.

The Dark Knight làm được nhiều hơn là kể một câu chuyện. Như một luận văn khoa học có cấu trúc nhưng lại được viết khá phức tạp để bắt người ta phải động não khi đọc, đầu tiên nó để cho gã Joker nêu lên giả thuyết, và phim tiếp tục dẫn dắt các tình tiết để người xem tự nhận định các hypothesis đó là đúng hoặc sai mà không đưa ra kết luận quá chắc chắn nào. Phần cuối của chuyện phim xuất hiện hình ảnh ẩn dụ người hùng Harvey Dent bị gã Joker dồn qua giới hạn, méo mó biến dạng, biến chất với hai nửa mặt khác hẳn nhau. Cái ác đã thắng, nhưng hãy đợi đã, để nghe những lời thoại cuối cùng rất hay trong phim: Đôi khi sự thật không phải bao giờ cũng là điều tốt. Số đông quần chúng xứng đáng hơn những gì chỉ là sự thật, xứng đáng được đền đáp cho niềm tin của họ về những gì là phải, trái mà xã hội công nhận. Đến đây tôi chợt nhớ đến câu chuyện một người mẹ Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ đã tự tay bóp chết con mình vì sợ tiếng khóc của con làm lộ vị trí quân cộng sản ẩn náu. Có lẽ để dẫn dắt số đông, thì việc duy trì niềm tin vào một cái gì đó là đúng mới quan trọng còn việc sự thật đó là đúng hay sai thì lại không phải là vấn đề. Bộ phim khiến chúng ta phải suy nghĩ, và bản thân quá trình suy nghĩ đó có giá trị hơn nhiều so với khi ngay lập tức mặc nhiên công nhận một ý kiến gián tiếp - second hand idea – nào đó như cách hiện nay phim ảnh và các phương tiện truyền thông đang tác động đến số đông.

No comments:

Post a Comment